Đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển ngư nghiệp và diêm nghiệp, nên từ khi những cư dân đầu tiên đến vùng đất Ninh Thủy lập làng, định cư đến ngày nay, thủy sản, diêm nghiệp vẫn là ngành sản xuất mũi nhọn đem lại nguồn thu nhập chính của đa số các hộ dân trong địa phương.
Ca dao Khánh Hòa còn ghi dấu những nghề nghiệp mưu sinh của người dân Ninh Thủy, những nghề nghiệp này vẫn được bảo tồn thành nét văn hóa làng nghề:
Ai về thăm quê hương Ninh Thủy
Hãy dừng chân ghé nghỉ vài hôm
Quê mình sản xuất cá tôm
Có thùng mắm ngọt, dùng cơm hằng ngày.
Từ khi Đảng có chủ trương đổi mới, phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, khuyến khích người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng thì diêm nghiệp có nhiều bước khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện, quê hương Ninh Thủy từng ngày được thay đổi.
Nhân dân Ninh Thủy có đời sống văn hóa tinh thần, những phong tục tập quán về ma chay, cưới hỏi, cúng tế có những nét giống với nhiều nơi khác. Hầu hết nhân dân đều giữ phong tục thờ cúng cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Ba làng biển Ngân Bá Thủy (Ngân Hà, Bá Hà, Thủy Đầm)
Ngoài các phong tục trên, cũng như một số địa phương ven biển khác, ngư dân ở Ninh Thủy có tục thờ cúng Ông Nam Hải (cá voi) là tục thờ cúng phổ biến nhất. Phường Ninh Thủy hiện tại (năm 2017) có 06 đình: Bá Hà 1, Bá Hà 2, Ngân Hà, Thủy Đầm, Mỹ Lương và Phú Thạnh. Trong đó có 04 đình ở Bá Hà 1, Bá Hà 2, Ngân Hà,Thủy Đầm thờ Ông Nam Hải và thờ các vị thần khác mà ngư dân tin rằng có khả năng phù hộ cho người đi biển, cứu giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.
Hàng năm, tại các đình đều có lệ cúng giỗ chư vị tiền hiền và làm lễ tế các vị thần linh theo ngày tháng âm lịch. Ở các tổ dân phố làm biển thì đình làm lễ tế Ông Nam Hải hay lễ Nghinh Ông, lễ hội Cầu Ngư. Các tổ dân phố làm nông thì đình làm lễ tế Thần nông hay cúng kỳ an.

Bảng xếp hạng di tích cấp tỉnh Đình làng Ngân Hà
Về phần lễ, thành phần những người tế lễ cũng như cúng kỳ an ở đình làng nông nghiệp, tổ chức lớn nhỏ tùy thuộc vào năm mất mùa hay được mùa cá và cũng tùy sự đóng góp nhiều ít của ngư dân. Sau lễ là phần vui chơi, phần hội, chủ yếu là tổ chức hát bội, đua thuyền thúng hay tranh giải một số môn thể thao….Hội có thể kéo dài đến vài ngày.
Lễ hội Cầu Ngư luôn là ngày hội lớn của ngư dân. Tục thờ cá Ông của ngư dân là một tín ngưỡng cổ truyền, thấm đượm tính nhân văn của dân tộc nói chung và nhân dân địa phương nói riêng. Lễ hội chính cũng là để thỏa mãn nhu cầu tâm linh, vừa thể hiện ứng xử văn hóa của con người trước biển cả.
Con người sống ở Ninh Thủy chủ yếu là dân tộc Kinh, về tổ chức xã hội, người Kinh đã lấy làng làm nơi định cư theo truyền thống vốn có ở miền Bắc. Trong làng thường có nhiều xóm. Nhà người dân tộc Kinh phổ biến là nhà trệt làm bằng gỗ hoặc gạch, thường quay về hướng Đông Nam đón gió. Ngôi nhà chính thường kết cấu 03 gian hoặc 05 gian và gian giữa là gian quan trọng nhất, nơi đặt bàn thờ gia tiên. Hai gian bên làm nơi ở của vợ, chồng và con. Đằng sau hoặc phía bên phải có thêm nhà bếp. Về sau, khi kinh tế phát triển, vật liệu xây dựng phong phú, nhiều ngôi nhà của người dân được xây dựng theo kiểu gạch ngói kiên cố, cao tầng, khang trang, hiện đại.
Về hệ thống giáo dục: tính đến năm 2016, phường có 03 trường mẫu giáo (01 trường tại Ngân Hà và 02 trường tại Bá Hà 1), 02 Trường Tiểu học (tại Phú Thạnh và Bá Hà 1), 01 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực (tại Phú Thạnh).
Trạm y tế của phường có cơ sở tại khu trung tâm phường, bên cạnh Ủy ban nhân dân phường, được xây dựng năm 2000. Trạm y tế đã duy trì tốt các hoạt động khám chữa bệnh, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia như chiến dịch phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, chương trình y tế học đường, công tác phòng chống dịch bệnh.
Trên địa bàn phường có khu vui chơi giải trí thiếu nhi (kề bên trường Trung học cơ sở Nguyễn Trung Trực), Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (kề bên khu vui chơi thiếu nhi), nhà sinh hoạt của các tổ dân phố, sân thể thao phường (tại Phú Thạnh ), điểm bưu điện văn hóa phường (tại Mỹ Lương), chợ của phường (tại Bá Hà 1).
Về giao thông: hiện tại phường Ninh Thủy có hai trục đường chính: một là tỉnh lộ 1B, từ ngã ba phường Ninh Diêm đi xã Ninh Vân, tổng chiều dài 25 km, trong đó đoạn qua phường Ninh Thủy dài 7,24 km (từ cầu Bá Hà đến ranh giới với xã Ninh Phước); bề rộng đường 5 m, mặt đường trải nhựa, chất lượng tốt; hai là, quốc lộ 26 (đường đi đến công ty Hyundai Vinashin), từ Quốc lộ 1A thuộc địa phận phường Ninh Đa đi Hyundai Vinashin, tổng chiều dài 12 km, trong đó đoạn qua phường Ninh Thủy dài 3,35km (từ ranh giới phường Ninh Diêm đến ngã ba gần kho Ngoại Quan, đấu nối vào tỉnh lộ 1B); bề rộng nền đường 7m, mặt đường trải nhựa, chất lượng tốt. Ngoài hai trục đường chính trên, hệ thống đường bê tông nối tỉnh lộ 1B với các tổ dân phố của phường Ninh Thủy có bề rộng từ 3m đến 4m; mạng lưới đường đảm bảo tính liên thôn, liên xã, rất thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi hàng hóa.
Với vị trí nằm sát biển, tiếp giáp với khu du lịch Dốc Lết, bên cạnh đó tiềm năng đất đai để xây dựng khu công nghiệp, khu dân cư...là điều kiện để phường nhận được nhiều ưu đãi đầu tư của tỉnh để phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị...qua đó kích cầu phát triển các ngành dịch vụ đi kèm.
Tuy nhiên, hiện tại cũng như thời gian đến, có nhiều công trình, dự án của tỉnh triển khai trên địa bàn phường nên hiện trạng sử dụng đất sẽ có nhiều biến động, công trình xây dựng sẽ có ảnh hưởng đến môi trường, một số nhà ở dân cư phải giải phóng mặt bằng tái định cư..., đây là một trong những khó khăn thách thức rất lớn của các cấp chính quyền trong việc ổn định cuộc sống của nhân dân.