Vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên
Phường Ninh Thủy nằm về phía Đông thị xã Ninh Hòa, cách trung tâm thị xã khoảng 13km; phía Đông giáp Biển Đông, phía Tây giáp phường Ninh Diêm, phía Nam giáp xã Ninh Phước và xã Ninh Phú, phía Bắc giáp phường Ninh Hải.

Bản đồ phường Ninh Thủy
Phường Ninh Thủy có 3 dạng địa hình:
Địa hình núi cao: bao gồm khối núi cao ở phía Nam, thuộc dãy nũi Hòn Hèo, với độ cao từ 200-700 m, độ dốc trên 15 độ. Địa hình núi cao bị chia cắt mạnh, tầng đất mỏng, chủ yếu sử dụng vào phát triển lâm nghiệp.
Địa hình gò, đồi dốc thoải: là vùng địa hình chuyển tiếp từ vùng núi cao xuống vùng đồng bằng, độ dốc từ 8 độ đến 15 độ, địa hình lượn sóng bị chia cắt nhẹ, phần lớn diện tích đang sử dụng vào mục đích đất khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Địa hình đồng bằng ven biển: hình thành do quá trình bồi lắng trầm tích từ các sản phẩm của biển tích tụ hình thành, địa hình thường bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển đô thị và du lịch.
Với cấu tạo địa hình khá đa dạng, phường Ninh Thủy hội tụ đủ các yếu tố: rừng núi, đồng bằng và vùng biển.
Cũng như các địa phương khác trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, phường Ninh Thủy chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng khô ráo ôn hòa, chia làm hai mùa rõ rệt: mùa khô từ tháng 01 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Nhiệt độ trung bình hàng năm thường trên dưới 260 C, các tháng cuối năm và đầu năm trời cũng se lạnh nhưng không rét buốt. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng từ 1.400mm đến 1.800 mm.
Điều kiện thời tiết khí hậu khá thuận lợi cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường.
Điều kiện tự nhiên và tiềm năng vùng biển phường Ninh Thủy cho phép phát triển nền kinh tế đa ngành mà mũi nhọn là khai thác thủy sản, vận tải biển, du lịch biển. Những tiềm năng đó là yếu tố hàng đầu phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội phường Ninh Thủy trong tương lai.
Hòn Hèo nằm trong dãy núi Phước Hà, ở phía Đông thị xã Ninh Hòa. Trong dãy núi Phước Hà có đỉnh Hòn Hèo là cao nhất (819m), cho nên người dân địa phương thường gọi là núi Hòn Hèo. Theo các cụ già kể lại, ngày xưa trên vùng núi này có rất nhiều dây mây, thân to và dài. Loại nhỏ gọi là mây rắc dùng làm thúng, nia; loại lớn gọi là mây chà dông dùng làm ghế , bàn….Đặc biệt, có loại dây mây sặc sỡ như hoa, to và thẳng, dân gian thường làm gậy chóng cho người lớn tuổi, gọi là hèo, chính vì thế có tên núi Hòn Hèo.
Hòn Hèo là vùng núi cao hiểm trở, ba mặt giáp biển, phía đông bắc sát bờ biển vịnh Vân Phong, phía tây nam chắn vịnh Nha Phu, bán đảo Hòn Hèo là căn cứ cách mạng của quân dân Khánh Hòa trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.